Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định về phát triển dự án và hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời chính thức có hiệu lực.
Thông tư số 16/2017/TT-BCT của Bộ Công Thương về cơ chế mua bán điện quy định như sau
Theo đó, các dự án điện mặt trời được hưởng cơ chế giá bán điện tại điểm giao nhận điện là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD). Bên mua điện có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ dự án điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước 30/6/2019 theo hợp đồng mua bán điện mẫu được áp dụng 20 năm.
Chi tiết toàn bộ thông tư download tại đây : techway.vn/thongtu16bocongthuong
Thông tư này gồm 5 Chương, 22 Điều, quy định về quy hoạch và phát triển dự án điện mặt trời; giá bán điện của các dự án điện mặt trời nối lưới và dự án điện mặt trời mái nhà; hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án điện mặt trời (nối lưới và mái nhà); trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan…
Các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh, được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD).
Bên cạnh đó, dự án điện mặt trời còn được hưởng các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… theo quy định hiện hành.
Theo Bộ Công Thương, việc ban hành Thông tư sẽ giúp minh bạch hóa thủ tục đầu tư phát triển điện mặt trời tại Việt Nam; thúc đẩy đầu tư phát triển nguồn điện mặt trời, bổ sung công suất cho hệ thống điện, từng bước tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia, giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Techway việt nam tóm lược lại nội dung ngắn gọn áp dụng cho khách hàng muốn đầu tư lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời như sau :
- Điều 11. Đầu tư dự án điện mặt trời trên mái nhà
1. Đối với dự án điện mặt trời mái nhà có công suất nhỏ hơn 01 (một) MW
Chủ đầu tư đăng ký đấu nối với Công ty điện lực tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (viết tắt là Công ty điện lực tỉnh) các thông tin chính: Công suất dự kiến, thông số kỹ thuật của tấm pin quang điện, thông số của bộ biến đổi điện xoay chiều. Để đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện, bộ biến đổi điện từ một chiều sang xoay chiều phải có chức năng chống hòa lưới khi lưới điện không có điện và đảm bảo các tiêu chuẩn về điện áp, tần số theo quy định.
2. Đối với dự án điện mặt trời mái nhà có công suất bằng hoặc lớn hơn 01 (một) MW, Chủ đầu tư dự án điện mặt trời mái nhà thực hiện thủ tục bổ sung quy hoạch phát triển điện mặt trời và quy hoạch phát triển điện lực theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này.
3. Công ty điện lực tỉnh phối hợp với nhà đầu tư lắp đặt công tơ hai chiều và ghi nhận sản lượng điện tiêu thụ và sản lượng điện mặt trời sản xuất hàng tháng. Chi phí đầu tư công tơ hai chiều do Công ty điện lực tỉnh chịu trách nhiệm chi trả.
4. Các dự án điện mặt trời mái nhà phải áp dụng hợp đồng mua bán điện mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
* Điều 12. Sửa đổi khoản 1 Điều 41 Thông tư số 39/2015/TT-BCT như sau:
“1. Công suất đấu nối
a) Tổng công suất đặt của các hệ thống điện mặt trời đấu nối vào cấp điện áp hạ áp của trạm biến áp hạ thế không được vượt quá công suất đặt của trạm biến áp đó;
b) Hệ thống điện mặt trời có công suất dưới 03 KWp trở xuống được đấu nối vào lưới điện hạ áp 01 (một) pha hoặc 03 (ba) pha;
c) Hệ thống điện mặt trời có công suất từ 03 KWp được đấu nối vào lưới điện hạ áp 03 (ba) pha.”
* Điều 13. Yêu cầu về giấy phép hoạt động điện lực
Dự án điện mặt trời nối lưới, dự án điện mặt trời trên mái nhà có quy mô công suất bằng hoặc lớn hơn 01 (một) MW phải được cấp giấy phép hoạt động điện lực, và tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT-BCT ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Bộ Công Thương.* Điều 14. Yêu cầu về an toàn công trình và bảo vệ môi trường
1. Hoạt động đầu tư phát triển các dự án điện mặt trời phải tuân thủ theo các quy định, quy chuẩn về an toàn công trình và bảo vệ môi trường hiện hành.
2. Bên bán điện có trách nhiệm tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng, thu dọn nhà máy điện mặt trời sau khi kết thúc dự án điện mặt trời theo các quy định, quy chuẩn về an toàn công trình và bảo vệ môi trường.* Điều 16. Đối với dự án điện mặt trời mái nhà
1. Các dự án điện mặt trời trên mái nhà được thực hiện cơ chế bù trừ điện năng (net-metering) sử dụng hệ thống công tơ hai chiều. Trong một chu kỳ thanh toán, nếu lượng điện phát ra từ các dự án điện mặt trời trên mái nhà lớn hơn lượng điện tiêu thụ sẽ được chuyển sang chu kỳ thanh toán kế tiếp. Khi kết thúc năm hoặc khi kết thúc hợp đồng mua bán điện, lượng điện phát dư sẽ được bán cho bên mua điện với giá bán điện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Giá mua điện tại điểm giao nhận điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 2.086 đồng/kWh (tương đương với 9,35 Uscents/kWh, theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 10 tháng 4 năm 2017 là 22.316 đồng/USD).
3. Giá điện cho năm tiếp theo được điều chỉnh theo tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố vào ngày làm việc cuối cùng của năm trước.
4. Giá mua điện quy định tại Khoản 2 và 3 chỉ áp dụng cho phần nhà máy điện mặt trời mái nhà có ngày vận hành thương mại trước ngày 30 tháng 6 năm 2019 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
5. Các dự án điện mặt trời trên mái nhà áp dụng giá bán điện theo quy định tại Điều này không được áp dụng cơ chế hỗ trợ giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định khác.
6. Chi phí mua điện từ các dự án điện mặt trời trên mái nhà quy định tại Điều này được tính toán đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
7. Quy định về thuế, phí của các dự án điện mặt trời trên mái nhà theo cơ chế bù trừ điện năng được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng phát triển điện mặt trời do vị trí địa lý nằm gần xích đạo, cường độ bức xạ mặt trời trung bình từ 4,5 – 5,5 kWh/m2/ngày. Nhằm đẩy mạnh khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn năng lượng mặt trời, Chính phủ đã đặt ra các mục tiêu phát triển điện mặt trời tại Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18 tháng 3 năm 2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến 2030.Cụ thể: tăng công suất lắp đặt điện mặt trời lên khoảng 850 MW vào năm 2020; khoảng 4.000 MW vào năm 2025 và khoảng 12.000 MW vào năm 2030.
Để đạt được các mục tiêu này, ngày 11/4/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (Quyết định số 11)…
Liên quan giá điện tái tạo, trước đó, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo gửi Chính phủ điều chỉnh quy định về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió tại Việt Nam. Trong đó, đề xuất tăng giá mua điện gió đất liền lên 8,77 US cent/kWh (thấp hơn so với các nước trong khu vực), các dự án ngoài biển có giá 9,97 USD cent/kWh. Thời gian áp dụng mức giá này đến hết năm 2020. Mức giá điện gió đề xuất được đánh giá là không tăng thêm đáng kể chi phí sản xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam: tăng 0,08 đồng/kWh năm 2017 và 0,23 đồng/kWh vào năm 2019.