Chính phủ đang trong quá trình soạn thảo một cơ chế khuyến khích phát triển các dự án về việc sử dụng điện từ năng lượng mặt trời và các dạng thứ cấp của nó tại Việt Nam. Bản dự thảo về cơ chế này cũng đã chính thức được công khai lấy ý kiến của các bên có liên quan. Theo đó, Chính phủ xác định việc phát triển các dự án điện mặt trời nối lưới là một trong những chiến lược phát triển của quốc gia.
Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời
Theo dự thảo vừa mới công bố thì giá mua điện mặt trời sau ngày 30/06/2019 sẽ thay đổi dựa theo 4 vùng bức xạ tương ứng đối với 63 tỉnh thành phố, và loại công nghệ điện mặt trời được áp dụng.
Cùng với đó dự thảo cũng nhấn mạnh đến việc là bên mua điện tức EVN, Tổng công ty điện lực và một số tổ chức khác phải có trách nhiệm mua toàn bộ lượng điện năng được sản xuất từ các dự án điện mặt trời nối lưới trong điều kiện vận hành lưới điện cho phép, ưu tiên khai thác hết toàn bộ công suất điện năng phát của các dự án điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại.
Thời hạn của hợp đồng mua bán điện mặt trời nối lưới vào trong khoảng là 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại. Sau 20 năm, hai bên có thể gia hạn thời gian hợp đồng hoặc ký hợp đồng mới theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về giá, dự thảo này của Chính phủ có quy định giá mua điện mặt trời chia làm 4 vùng tuỳ thuộc vào từng công nghệ điện mặt trời.
Vùng bức xạ phân chia giữa các vùng miền
Đối với các địa phương có chỉ số bức xạ thấp, các dự án điện mặt trời ở khu vực này sẽ được bán điện lên lưới với giá cao hơn so với các dự án điện mặt trời xây dựng ở những tỉnh có chỉ số bức xạ cao.
Theo phân tích của các chuyên gia ngành điện, việc áp dụng cơ chế mua bán điện mặt trời trên mái nhà theo công tơ điện hai chiều sẽ tạo ra bước chuyển quan trọng trong thị trường cấp điện với sự tham gia của hàng triệu hộ dân và các doanh nghiệp. Bởi theo tính toán của Bộ Công thương, đến quý III/2018 mặc dù mới chỉ ký thực hiện đấu nối, lắp đặt công tơ hai chiều, xác nhận chỉ số công tơ và sản lượng điện năng giao nhận với khách hàng đăng ký bán điện mặt trời trên mái nhà thì công suất cấp điện đã đạt khoảng xấp xỉ 15 MWp.
Mức bán điện giứa các vùng miền
Cụ thể, dự án điện mặt trời có mức thu mua vùng 1 là 2.159 đồng/kWh – 2.486 đồng/kWh, tương ứng 9,44 UScent/kWh – 10,87 cent/kWh, vùng 2 là 1.857 đồng/kWh tương ứng 8,13 UScent/kWh, vùng 3 giảm xuống 1.644 đồng/kWh, vùng 4 đạt 1.566 đồng/kWh – 1.803 đồng/kWh (tương đương 6,85 – 7,89 cent/kWh).
Theo dự thảo, giá mua điện của các dự án điện mặt trời nối lưới chỉ áp dụng cho các dự án có hiệu suất của tế bào quang điện lớn hơn 16% hoặc module lớn hơn 15%.
Giá mua điện tại khoản 1 Điều này được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện mặt trời nối lưới có ngày vận hành thương mại trước năm 2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.
Với mức giá thu mua điện trong dự thảo, rõ ràng điện mặt trời mái nhà đang được ưu tiên mua cao nhất.
Trong đó, vùng 1 gồm 28 tỉnh bắt đầu từ Hà Giang đến Quảng Bình sẽ áp dụng biểu giá mua điện mặt trời cao nhất. Vùng có giá bán điện thấp nhất là vùng 4, bao gồm các tỉnh Phú Yên, Gia Lai, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận với các mức giá thấp.